DỊ ỨNG THỜI TIẾT – NỖI ÁM ẢNH MỖI KHI CHUYỂN MÙA

  1. Tại sao lại dị ứng thời tiết?

Dị ứng thời tiết là hiện tượng xảy ra với cơ thể khi chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, liên quan đến hệ miễn dịch cơ thể (kích thích bởi một yếu tố nào đó như độ ẩm, không khí, ánh sáng, nhiệt độ…) thì tình trạng dị ứng sẽ diễn ra. Khi cơ thể chưa kịp thích ứng sẽ gây ra những tổn thương về da như phát ban, mẩn ngứa, nổi mề đay hoặc viêm mũi, có thể ho khan…

Có 2 dạng dị ứng thời tiết: dị ứng cấp tính và dị ứng mãn tính. Dị ứng cấp tính sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến dưới 6 tuần, biểu hiện lâm sàng là những triệu chứng ngứa, gây khó chịu cho người bệnh. Nếu những dấu hiệu này không được chữa trị kịp thời và đúng cách, sẽ chuyển sang giai đoạn dị ứng thời tiết mãn tính có thể gây nguy hiểm cho cơ thể với biểu hiện phù nề, nhiễm trùng da, tụt huyết áp, sốc phản vệ, trường hợp xấu nhất sẽ dẫn đến tử vong.

2. Đối tượng dễ bị dị ứng thời tiết?

Những người có cơ địa dị ứng từ trước như dị ứng thức ăn, dị ứng thuốc, phấn hoa…

Trên người có tiền sử viêm gan siêu vi, thủy đậu, viêm da tiếp xúc, viêm mũi dị ứng, hen phế quản… cao hơn so với người có sức khỏe bình thường.

3. Dấu hiệu của dị ứng thời tiết

Hầu hết dị ứng thời tiết đều gây ra tình trạng tổn thương ngoài da, nhưng đôi khi cũng sẽ đi kèm thêm một số triệu chứng khác liên quan tới hệ hô hấp và hệ tiêu hóa. Những biểu hiện lâm sàng rõ nét nhất là:

  • Da bị mẩn đỏ, đa dạng kích thước. Nhiều trường hợp chỉ là các vết mẩn bằng phẳng, nhưng trái lại cũng có nhiều trường hợp các vết mẩn nổi cộm hơn hẳn so với mặt bằng da.
  • Phạm vi dị ứng có thể hẹp, có thể lan rộng, thường mọc mẩn đỏ ở má, chân, tay, ngực hoặc lưng…
  • Dị ứng thời tiết gây ra nhiều khó chịu cho người mắc phải như ngứa châm chích hoặc nóng rát. Nếu càng gãi mạnh, tình trạng sẽ lan rộng hơn, thậm chí là sưng to hơn.
  • Nhiều trường hợp ngoại lệ sẽ không ngứa, nhưng người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu vì đau rát.
  • Nếu mề đay đi kèm với triệu chứng lơ mơ, khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột được gọi là sốc phản vệ, cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu khẩn trương.
  • Ngoài ra, người bệnh còn có thể có các triệu chứng của viêm đường hô hấp trên như sổ mũi, hắt xì, ho khan hoặc đau đầu, mệt mỏi.

 

4. Dị ứng thời tiết có lây không?

Dị ứng thời tiết là bệnh không lây, xuất hiện ngẫu nhiên ở mọi lứa tuổi và không có sự khác nhau giữa hai giới.

5. Các phương pháp chẩn đoán

Dị ứng thời tiết được chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng mà không cần sử dụng đến các xét nghiệm cận lâm sàng.

Sẽ chẩn đoán dựa vào bệnh sử của bản thân, thời điểm xuất hiện các triệu chứng, ảnh hưởng của nhiệt độ và tiền sử có mắc các bệnh lý như viêm da, viêm mũi, hen phế quản…

6. Các biện pháp điều trị dị ứng thời tiết

Đối với người bị dị ứng thời tiết chỉ có giải pháp điều trị theo từng đợt và hạn chế tiếp xúc với yếu tố thời tiết bất lợi.

Hiện nay, các chuyên gia khuyến khích phòng ngừa dị ứng đi kèm các biện pháp điều trị cắt cơn dị ứng ở mỗi đợt bùng phát.

Một số thuốc có thể sử dụng để khắc phục các triệu chứng của dị ứng thời tiết:

  • Thuốc kháng Histamin H1: Loratadin, Cetirizin, Fexofenadine… điều trị các triệu chứng thông thường mày đay, ngứa
  • Thuốc Corticoid (chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch): đường uống: Prednisolone, Methylprednisolon và đường bôi (betamethasone, Clobetasol…)
  • Trường hợp có đau đầu, đau người sử dụng giảm đau Paracetamol, Ibuprofen…
  • Trường hợp sổ mũi: dùng Xylometazolin dạng nhỏ hoặc xịt
  • Trường hợp có nhiễm khuẩn cần dùng kháng sinh: Augmentin, Cephalexin…

Chú ý: hãy tuân thủ sử dụng thuốc dưới sự theo dõi hướng dẫn của dược sỹ, bác sỹ. Không tự ý dùng khi chưa được hướng dẫn.

7. Cách phòng ngừa dị ứng thời tiết tái phát

Dị ứng thời tiết có liên quan đến cơ địa từng người nên sẽ không chữa trị được dứt điểm. tuy nhiên chúng ta vẫn có thể hạn chế được tần suất tái phát của bệnh:

  • Vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý tránh những tác nhân dị nguyên. Nên đeo kính và khẩu trang khi đi ra ngoài.
  • Tránh những nơi có nhiều khói bụi, phấn hoa, động vật…
  • Lau chùi, vệ sinh nơi ở (nhất là những nơi ẩm thấp) để sạch sẽ, trong lành
  • Hạn chế những thực phẩm có khả năng kích thích làm tăng tính nhạy cảm của cơ địa với thời tiết: đồ biển, thức ăn chế biến sẵn, tiêu, ớt, rượu bia…
  • Những ngày có gió mùa, mưa hay khi trời trở lạnh: giữ ấm cơ thể (tránh mặc những chất liệu len hay dạ gây kích ứng da), tránh những nơi nhiều gió như công viên… Còn khi trời nắng nóng tránh hoạt động ngoài trời thời gian dài tránh đổ mồ hôi nhiều, mặc đồ thấm hút mồ hôi, tránh chất liệu nilong…
  • Ăn nhiều rau xanh, trái cây bổ sung các vitamin có lợi, nhất là vitamin C giúp tăng cường đề kháng hạn chế những phản ứng miễn dịch gây ra.

    (Theo Best Pharma sưu tầm)