SỐT XUẤT HUYẾT – DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM NGUY HIỂM

Theo thống kê của Bộ y tế, từ 1/1 đến 11/6/2022, đã có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì sốt xuất huyết, Bộ yêu cầu toàn dân quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết.

1. Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp.

Virus Dengue có 4 type huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.

Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng… Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.

2. Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết

Triệu chứng phổ biến của người bệnh là sốt cao đột ngột 39-40 độ, sốt kéo dài, khó hạ kèm các triệu chứng như đau đầu, đau hốc mắt dữ dội.

Ở thể nặng, người bệnh có thể xuất hiện xuất huyết như chấm đỏ ngoài da, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi cầu phân đen. Cũng có trường hợp kèm đau bụng, chân tay lạnh, người vật vã. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.

3. Các giai đoạn tiến triển của bệnh sốt xuất huyết

Người nhiễm virus sốt xuất huyết sẽ trải qua 4 giai đoạn:

Giai đoạn ủ bệnh: người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng, thường từ 4 – 7 ngày, cũng có thể là 14 ngày.

Giai đoạn sốt: Khởi phát đột ngột, sốt cao trên 39 độ, kéo dài và khó hạ, kéo dài 1-3 ngày. Các triệu chứng kèm theo như mệt mỏi, nhức đầu, đau hốc mắt, đau cơ kèm nôn mửa, tiêu chảy,…

Giai đoạn nguy hiểm: Khoảng từ ngày 3 đến ngày 7 kể từ khi sốt. Triệu chứng trở nặng, có thể thấy các dấu hiệu xuất huyết dưới da ở chân, tay, bụng, đùi. Nặng hơn, người bệnh có thể xuất huyết nội tạng, xuất huyết tiêu hóa hoặc xuất huyết não, rất nguy hiểm.

Giai đoạn phục hồi: Sau giai đoạn trên, người bệnh sẽ dần hết sốt, thể trạng tốt hơn, bắt đầu thèm ăn. Số lượng tiểu cầu cũng tăng dần, người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Bệnh sốt xuất huyết diễn tiến nhanh nên cần phải được điều trị sớm ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Người bệnh có thể lựa chọn hỗ trợ điều trị bằng các loại thảo dược như xuyên tâm liên, thanh hao hoa vàng, đinh hương, hoàng cầm,… Bên cạnh đó, những loại thảo dược trên còn giúp hỗ trợ tăng đề kháng cho cơ thể.

4. Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm

Nếu xuất hiện các dấu hiệu dưới đây, người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được điều trị và xử trí kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng:

– Xuất huyết: chấm đỏ trên da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt bất thường

– Đau bụng dữ dội, liên tục nôn

– Người sốt cao li bì, rối loạn ý thức

– Khó thở, chân tay lạnh, xanh tím.

5. Biến chứng của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có thể gây nên các biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao.

– Thoát huyết tương nặng làm giảm khối lượng tuần hoàn dẫn đến sốc sốt xuất huyết

– Xuất huyết nặng

– Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng. Xuất huyết nặng có thể dẫn đến đông máu rải rác lòng mạch.

– Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc như aspirin, ibuprofen để hạ sốt hoặc dùng corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn.

– Suy tạng nặng.

– Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000 U/L.

– Suy thận cấp: Thiểu niệu, vô niệu (không có nước tiểu), ure, creatinin tăng cao.

– Rối loạn tri giác (sốt xuất huyết thể não).

–  Viêm cơ tim, suy tim.

 6. Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Bên cạnh việc điều trị sớm và đúng cách, việc phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cũng cần được chú trọng, đặc biệt thời tiết đang vào mùa thuận lợi cho virus sinh trưởng. Một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả như:

– Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi: đậy kín các dụng cụ chứa nước, dọn dẹp máng thoát nước thường xuyên, không để đọng nước.

– Mắc màn khi ngủ, bôi kem, mặc đồ dài tay phòng muỗi đốt

– Phối hợp với ngành y tế địa phương định kỳ phun hóa chất phòng, chống dịch

– Ăn uống đủ dinh dưỡng, tập luyện thường xuyên để tăng cường đề kháng, phòng bệnh hiệu quả.

7. Cách điều trị cải thiện tình trạng sốt xuất huyết

Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị sốt xuất huyết đặc hiệu. Người bệnh thường dùng thuốc điều trị triệu chứng như Paracetamol (hạ sốt, giảm đau), Oresol (bù nước, bù điện giải,…) kết hợp các sản phẩm tăng cường đề kháng, ức chế virus hiệu quả. Việc tăng đề kháng rất quan trọng đối với các bệnh virus vì vừa giúp hỗ trợ phòng ngừa bệnh, vừa giúp giảm biến chứng, triệu chứng khi mắc bệnh và rút ngắn thời gian điều trị.

Các loại thuốc này có bán tại tất cả các nhà thuốc Sức khoẻ Xanh trên toàn quốc. Khách hàng có nhu cầu có thể đến trực tiếp nhà thuốc để được tư vấn mua thuốc.

(Theo nguồn Bộ Y tế & Báo Sức khoẻ đời sống)